Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

10 phút cuối giờ làm việc của người thành đạt

Bạn thường làm gì vào 10 phút cuối ngày? Nhìn chăm chăm vào đồng hồ, đếm ngược từng giây cho đến thời điểm được "tự do"”, hay cắm đầu vào công việc đến phút chót, rồi thu dọn đồ đạc và đi thẳng về nhà mà chẳng kịp chào tạm biệt đồng nghiệp? Nếu đúng như vậy, có lẽ đã đến lúc bạn cần cân nhắc lại những thói quen này.

"Cách bạn kết thúc một ngày làm việc thực sự rất quan trọng. Nó có tác động tới tâm trạng của bạn trong thời gian còn lại của hôm đó, ảnh hưởng tới các mối quan hệ cá nhân, giấc ngủ cuối ngày, cũng như tạo đà cho ngày hôm sau", theo Michael Kerr - diễn giả trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế, tác giả cuốn sách "You Can’t Be Serious! Putting Humor to Work!" (Đừng nghiêm túc quá! Hãy mang óc hài hước vào công việc).
Lynn Taylor - chuyên gia về môi trường làm việc - cho biết những người thành đạt thường có những thói quen giúp họ có khả năng tập trung tối đa cho công việc vào ngày hôm sau. Dưới đây là những điều người thành công thường làm khi ngày làm việc kết thúc.
1. Cập nhật danh sách việc cần làm
Những người thành đạt luôn để mắt tới kế hoạch làm việc của mình. Họ dành 10 phút cuối ngày để nhìn lại tiến độ thực hiện các mục tiêu và tổng kết lại những việc đã hoặc chưa hoàn thành, thay vì ra về với hy vọng sẽ nhớ được tất cả những gì đã làm được vào ngày hôm sau.
2. Sắp xếp ngăn nắp bàn làm việc và màn hình máy tính
Tính bừa bộn sẽ làm tốn nhiều thời gian của bạn. Sắp xếp bàn làm việc và màn hình máy tính một cách khoa học sẽ giúp bạn suy nghĩ sáng suốt và làm việc hiệu quà hơn. Nó còn giúp bạn nhanh chóng tìm được đúng các loại hồ sơ và dữ liệu khi cần.
3. Nhìn lại kết quả công việc
Ngoài tập trung vào những gì sẽ phải làm, bạn cũng nên nhìn lại việc mình đã làm được. Dành ra một phút mỗi ngày để tổng kết lại những điều đã hoàn thành sẽ tạo ra động lực làm việc, nhất là sau một ngày bận rộn, bạn nhận ra mình đã vượt chỉ tiêu. Một nghiên cứu về chỉ số hạnh phúc chỉ ra rằng thói quen tưởng như rất bình thường này sẽ khiến mức độ hạnh phúc của bạn tăng lên đáng kể.
4. Suy ngẫm
Không chỉ nghĩ về những nhiệm vụ đã hoàn thành, những người thành đạt còn bỏ công phân tích mọi việc đã được thực hiện như thế nào, lý do thành công và thất bại. Họ biết rằng nếu không học hỏi thì sẽ khó có thể phát triển được.
5. Thực hiện các cuộc nói chuyện "khẩn"
Đã tới giờ tan tầm, nhưng bạn vẫn còn những việc cần bàn bạc với đồng nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có một vài trong số đó là cần kíp. Đây chính là lúc thử thách kỹ năng sắp xếp thời gian của bạn. Những người sáng suốt luôn có khả năng quyết định việc gì phải thực hiện luôn và việc gì không.
Các cuộc thảo luận dài và mang tính nhạy cảm nên để dành đến sáng hôm sau, khi cả bạn và đồng nghiệp đều đang trong trạng thái tốt nhất. Các cuộc nói chuyện dễ gợi ra một cuộc thảo luận mới nên được để dành tới thời điểm thích hợp vào hôm sau. Nếu không, cuộc nói chuyện sẽ kéo dài đến tối, khi mà tất cả đều đang vội vã và uể oải. Hoãn lại những cuộc thảo luận như thế này sẽ cho bạn có thêm một đêm để cân nhắc lại về những quyết định của mình.
6. Giữ tập trung
Cuối giờ làm việc là thời điểm tâm trí bạn thường "treo ngược cành cây" và rất khó giữ được tinh thần minh mẫn. Vì vậy, hãy cố gắng đừng để bản thân bị cuốn vào những chuyện bên lề và làm xao lãng công việc.

7. Xác định mục tiêu chính cho ngày tiếp theo
Những người thành đạt luôn có sẵn một bản kế hoạch làm việc cho ngày hôm sau, và họ cũng xác định luôn nhiệm vụ chính trong đó là gì. Bạn có thể có hai hay ba mục tiêu nảy ra trong đầu, nhưng hãy viết chúng ra, để tạo nền tảng bắt đầu ngay vào công việc cho ngày hôm sau. Tập được thói quen ghi chép sẽ giúp bạn luôn giữ được cái đầu thông thoáng và sẵn sàng cho mọi nhiệm vụ.
8. Cho đồng nghiệp biết về khả năng liên lạc với mình
Những người thành đạt thường dành một phút để xác định mình sẽ sẵn sàng cho phép người khác liên lạc tới mức nào. Họ sẽ ở ẩn hoàn toàn hay vẫn sẽ liên lạc được trong những trường hợp đặc biệt? Câu trả lời thường sẽ thay đổi mỗi ngày. Điều quan trọng là bạn phải biết làm thế nào để bản thân cảm thấy thoải mái và yên bình trong thời gian nghỉ ngơi.
9. Nói cảm ơn
Một môi trường làm việc lý tưởng được xây dựng trên nền tảng lòng biết ơn và sự ghi nhận. Tạo cho mình thói quen cảm ơn ai đó vào cuối ngày làm việc sẽ nâng cao mức độ hanh phúc của bạn và khiến tất cả cùng cảm thấy vui vẻ.
10. Chào tạm biệt
Một lời chào tạm biệt chẳng tốn của bạn chút công sức nào nhưng lại có tác dụng rất lớn. Nó khiến mọi người hiểu rằng bạn không chỉ là đồng nghiệp, mà còn là một người bạn. Chào tạm biệt sẽ giúp tạo không khí thân thiện và vui vẻ khi bạn ra về.
11. Tỏ thái độ tích cực
Trước khi ra về, hãy tự nâng cao tinh thần cho mình bằng cách mỉm cười. Điều này sẽ khiến bạn cảm thấy lạc quan và thoải mái hơn. Những người lãnh đạo thường sẽ tạo ấn tượng tốt đẹp vào cuối ngày, bởi việc này sẽ có ảnh hưởng tới tâm trạng và thái độ làm việc của ngày hôm sau.
12. Ra về
Người thành công luôn cố tránh nán lại nơi công sở. Họ hiểu rõ tầm quan trọng của việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Vì vậy, họ sẽ cố gắng rời văn phòng đúng lúc. La cà ở công ty mà chẳng có lý do chính đáng nào sẽ chỉ làm tiêu tốn năng lượng của bạn một cách vô ích.
Hãy dọn dẹp bàn làm việc và màn hình máy tính, xem xét mình đã làm được gì hôm nay, phải làm gì ngày mai, sau đó chào tạm biệt đồng nghiệp và ra về ngay.

Công việc các nữ lãnh đạo thường làm vào mỗi buổi sáng

Mới đây, tạp chí Forbes đã phỏng vấn 12 nhà lãnh đạo trong các lĩnh vực ngành nghề khác nhau về thói quen sinh hoạt buổi sáng của họ.
Trong danh sách trên có: Stacey Bendet - CEO kiêm giám đốc sáng tạo của Công ty Alice and Olivia, Leslie Hale - Giám đốc tài chính kiêm Phó chủ tịch điều hành của Công ty RLJ Lodging Trust, Nell Scovell - nhà báo, nhà làm phim, Sally Susman - Phó chủ tịch điều hành của Công ty Pfizer, Shama Hyder - CEO của Tập đoàn Marketing Zen, C. Noel Bairey Merz - Giám đốc Trung tâm phòng chống các bệnh tim mạch, chuyên gia dinh dưỡng Keri Glassman - sáng lập viên kiêm Chủ tịch trang Nutritiouslife.com…
Và đây là những điểm gặp gỡ nhiều nhất giữa các nữ lãnh đạo, được rút ra được từ các bản thông tin hồi đáp của họ với tạp chí Forbes:
1. Dậy sớm vào một giờ cố định
Ngoại trừ những người chưa có con, các chị đều dậy sớm, khoảng từ 5-6 giờ sáng mỗi ngày theo lịch hẹn báo thức trên đồng hồ/điện thoại.
Tập thể dục (yoga là hình thức phổ biến hơn cả) và ngồi thiền là dạng thức khởi động không thể bỏ qua với các chị trong ngày mới. Thể dục xong, bao giờ cũng có thời gian để tắm như một cách thư giãn.
Việc gọi các con dậy, cho chúng ăn sáng rồi đưa tới trường trên hành trình tới công sở là phần việc rất quen thuộc với các chị. Với các nữ lãnh đạo, con cái vẫn là sự chăm chút đầu ngày rất quan trọng của họ.

2. Nạp tin tức đầu ngày
Có thể tùy theo điều kiện hoàn cảnh của mỗi người, thời gian nạp tin tức của các nữ lãnh đạo khác nhau, nhưng ai cũng tranh thủ đọc các tờ báo cũng như xem các chương trình ti vi yêu thích của họ.
Ngoài ra, việc check email và các mạng xã hội khác, trả lời ngay những nội dung cần hồi đáp sớm cũng là yếu tố không thiếu trong lịch trình buổi sáng của cả 12 cá nhân mà Forbes tiếp cận.
Có người còn chọn cách đọc một chương sách yêu thích nào đó để tạo cảm hứng cho ngày mới.
3. Ghi rõ những việc ưu tiên mỗi ngày

Điểm chung thấy rõ là các nữ lãnh đạo dù làm ở lĩnh vực ngành nghề nào cũng đều lên kế hoạch công việc cho toàn bộ một ngày của họ ngay từ buổi sáng. Sau khi xác định các ưu tiên công việc, họ cứ thế giải quyết từng phần cho tới hết ngày. Không hề có chuyện tùy tiện, gặp đâu làm đấy ở các nữ lãnh đạo này.
Thời gian bắt đầu công việc chính thức tại công sở của các nữ lãnh đạo đều thường từ 9h – 9h30 sáng mỗi ngày. Tùy theo đặc thù công việc, thời điểm kết thúc cũng khác nhau.

Thứ Ba, 18 tháng 11, 2014

“Nghệ thuật trả lương” – Đã bao giờ bạn nghĩ đến?

Tiền lương là biểu hiện bằng tiền của giá trị sức lao động mà người lao động đã bỏ ra trong quá trình sản xuất kinh doanh và được thanh toán theo kế quả lao động cuối cùng.


Tiền lương là nguồn thu nhập chính của người lao động, vừa là một yếu tố chi phí cấu thành nên giá trị của các loại sản phẩm lao vụ, dịch vụ do doanh nghiệp sản xuất ra, do đó các doanh nghiệp sử dụng hiệu quả sức lao động nhằm tiết kiệm chi phí, tăng tích lũy cho đơn vị, tăng thu nhập cho người lao động
Tiền lương của người lao động được xác định theo hai cơ sở chủ yếu là số lượng và chất lượng lao động của mỗi người. Tiền lương hình thành có tính đến kết quả của cá nhân, của tập đoàn và của xã hội, nó quan hệ trực tiếp đến việc thực hiện lợi ích của cá nhân người lao động.


Nếu bạn xem việc trả lương là một sự đầu tư. Doanh nghiệp thường trả lương cơ bản cao để thu hút người có năng lực. Họ coi đây như một sự đầu tư về chất xám để có thể mang lại hiệu quả công việc cao nhất cho công ty.
Nếu bạn xem tiền lương là một khoản chi phí trong chiến lược tài chính. Thông thường, bạn sẽ trả lương cơ bản thấp để tìm giải pháp an toàn nếu năng suất lao động thấp. Với cách này, doanh nghiệp có thể an toàn về tài chính nhưng sẽ không níu giữ được nhân viên lâu dài. Bởi nếu lương thấp không đủ để chi trả cho cuộc sống thì những nhân viên ấy đi làm mà chỉ nghĩ đến việc tìm chỗ nào tốt hơn để nhảy việc. Cùng năng lực như nhau tất nhiên chỗ nào trả cao hơn ta sẽ tìm đến.

Chẳng doanh nghiệp nào muốn biến mình thành trường đạo tạo nghề có trả lương, nhưng làm thế nào khi những nhân viên ta mất bao công đào tạo, đến lúc họ biết việc thì họ lại đòi chuyển việc?


Có rất nhiều cách thức trả lương khác nhau đã được các chuyên gia công thức hóa như HAY, 3P…Các hình thức trả lương theo giờ, lương khoán theo sản phẩm…Tất cả các hình thức này đều có ưu điểm cũng như nhược điểm riêng và không có một mẫu chung nào cho tất cả các doanh nghiệp, do đó, mỗi doanh nghiệp phải tự tìm cho mình một cách riêng sao cho hợp lý nhất.

Hai cách được áp dụng nhiều nhất là HAY (đánh giá công việc, không đánh giá con người) và 3P (trả lương dựa trên 3 tiêu chí rõ ràng là chức danh, năng lực cá nhân và thành tích đạt được).

Hiện nay, đối với các nhân viên kinh doanh, hình thức trả lương theo doanh số đang rất thịnh hành. Cách trả lương này tạo động lực cho nhân viên làm việc hết mình. Bán được nhiều sản phẩm thì lương càng cao. Đây cũng là một hình thức được khá nhiều doanh nghiệp trẻ Việt Nam áp dụng.

Nhìn chung, dù có áp dụng cách thức nào, hệ thống thang bảng lương của doanh nghiệp cần đáp ứng được ba yêu cầu: cân bằng trong nội bộ, phân cấp ngạch bậc và cạnh tranh với thị trường.

Tiền lương có vai trò rất quan trọng đối với việc kinh doanh. Nhân viên sẽ làm việc hiệu quả nhất khi họ nhận được một mức lương xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Vì thế, để có thể hợp tác về lâu về dài, các doanh nghiệp có thể giảm bớt chút lợi nhuận của bản thân và thay vào đó là tăng thêm thu nhập cho nhân viên. Đến lúc kinh tế khó khăn các nhà lãnh đạo mới “thấm” được ý nghĩa của sự “sẻ chia lợi nhuận” này.

Thứ Ba, 11 tháng 11, 2014

10 kỹ năng quản lý của người Nhật

Trên thực tế, có rất nhiều chiến lược, bí quyết quản trị doanh nghiệp khác nhau. Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quản lý thì điều này còn tuỳ thuộc vào đặc điểm thực tế của mỗi công ty, trình độ và khả năng nhận thức của mỗi nhà quản trị.

10 kỹ năng quản lý của người Nhật
10 kỹ năng quản lý của người Nhật
Tại Nhật Bản, cái nôi của những tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới, giới phân tích nhận định rằng điểm khác biệt giữa nhà quản trị quốc tế (quản lý các hoạt động kinh doanh xuyên quốc gia) và nhà quản trị trong nước (quản lý các hoạt động kinh doanh trong nội bộ quốc gia) là nhà quản trị quốc tế phải biết tìm cách làm cho các hoạt động kinh doanh của công ty mẹ tại một nước phù hợp với các chi nhánh, công ty con địa phương ở nước ngoài và quan hệ tốt với chính phủ nước đó. Nhiệm vụ của các nhà quản trị chi nhánh và công ty con ở nước ngoài thường nặng nề hơn so với các nhà quản trị trong nước, bởi vì họ phải đương đầu với khó khăn về thông tin liên lạc giữa các cơ quan đầu não của công ty và chi nhánh.Các tập đoàn Nhật Bản thường thích bổ nhiệm các nhà quản trị là người ngay tại địa phương hơn là những người từ nơi khác đến, vì các nhà quản trị địa phương thông hiểu những điều kiện hoạt động và môi trường kinh doanh ở địa phương, ít tốn kém, hơn nữa người địa phương có thể tập trung vào các hoạt động nhằm phục vụ cho mục tiêu dài hạn. Với cách thức này, các tập đoàn Nhật Bản chỉ cần điều động một số chuyên gia ra nước ngoài để truyền đạt những kỹ năng chuyên môn cần thiết và cách thức tiến hành các hoạt động kinh doanh chính yếu, đồng thời kiểm soát các hoạt động ở nước ngoài và phát triển năng lực cho nhà quản trị.Song , dù ở trong nước hay ngoài biên giới thì nội dung của các hoạt động quản trị cũng không khác biệt nhiều lắm và đều cần đến những công thức thành công chung.
Dưới đây là 10 bí quyết trong quản trị doanh nghiệp mà độ tin cậy đã được kiểm nghiệm tại rất nhiều tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản sau nhiều thập kỷ lớn mạnh trên thương trường.
1. Phối hợp giữa các bộ phận 
Những người phụ trách các phòng ban, phân xưởng hay chi nhánh phải biết san sẻ trách nhiệm cho nhau. Masao Nemoto, cựu giám đốc điều hành tập đoàn Honda, đã khuyến cáo các nhà quản trị doanh nghiệp: “Một trong những chức năng quan trọng của người quản trị là thực hiện tốt sự phối hợp giữa bộ phận của mình với những bộ phận khác”.
Và một hệ luận rút ra là giới quản trị cấp cao không nên giao phó những công việc quan trọng chỉ cho một phòng ban duy nhất.
 2. Liên tục cải tiến
Nguyên tắc này đòi hỏi các nhà quản trị phải không ngừng cải thiện lề lối làm việc của nhân viên trong công ty. Tiến bộ là một quá trình thăng tiến dần dần từ thấp lên cao. Nhà quản trị cần tạo ra một môi trường thuận lợi cho nhân viên của mình thực hiện những cải tiến công việc.
3. Mọi người đều phát biểu
Nhà quản trị cần đảm bảo sao cho tất cả thành viên trong công ty đều cùng tham gia đóng góp ý kiến về các vấn đề và cùng học hỏi từ các thành viên khác. Điều này cũng nên áp dụng rộng rãi trong tất cả những cuộc họp và công tác hoạch định hàng năm. Biết nghe quan điểm của mọi người, những người nhà quản trị cấp cao có thể khiến kế hoạch nhận được sự ủng hộ của các nhân viên thực thi chúng, một nhân tố cốt yếu cho thành công của các chương trình cải tiến chất lượng.
10 kỹ năng quản lý của người Nhật
10 kỹ năng quản lý của người Nhật
4. Kiểm tra sẽ vô ích, trừ khi nhà quản trị cấp cao có hành động
Với nguyên tắc này, nhà quản trị phải đề ra được các biện pháp giải quyết thật cụ thể khi có một vấn đề đang cần theo dõi hoặc cần được báo cáo. Một khi đã xác định được vấn đề mà không có hành động gì thì việc kiểm tra cũng chỉ vô ích.
5. Làm cho người khác hiểu công việc mình làm 
Muốn như thế, các nhà quản trị cần chú ý đến các kỹ năng huấn luyện và thuyết trình. Các nhà quản trị tại tập đoàn điện tử Sony, Nhật Bản, luôn chú trọng việc giúp các nhân viên phát triển kỹ năng diễn giải và trình bày về công việc của mình trước tập thể để họ có được những sự cộng tác đầy đủ và hữu hiệu hơn.
6. Luân chuyển những nhân viên giỏi
Hãng Honda có chính sách luân phiên huấn luyện nhân viên. Thông thường, những nhà quản trị đều có xu hướng muốn giữ những nhân viên giỏi nhất của mình không cho luân chuyển sang bộ phận khác, nhưng về lâu dài, chính sách luân chuyển nhân viên giỏi sẽ rất có lợi cho toàn thể công ty.
7. Một mệnh lệnh không có thời hạn hoàn thành thì không phải là mệnh lệnh 
Nguyên tắc này nhằm để các nhà quản trị luôn luôn phải ra thời hạn hay lịch trình thực hiện công việc. Không xác định giới hạn về thời gian chính là nguyên nhân khiến cho các công việc sẽ ít được hoàn tất hơn.
8. Diễn tập là dịp lý tưởng để huấn luyện các kỹ năng cần thiết
Các nhà quản trị và người trưởng nhóm giám sát thường có rất nhiều buổi thuyết trình và báo cáo và trong chương trình kiểm tra chất lượng thường phải có báo cáo về tiến độ thực hiện công việc. Trong thời gian giữ chức giám đốc điều hành tại Honda, Masao Nemoto luôn khuyến khích các nhà quản trị chú tâm đến việc diễn tập những buổi báo cáo và thuyết trình. Đó là những dịp rèn luyện kỹ năng thuyết trình – thuyết phục và khám phá những vấn đề mới hoặc những thiếu sót của vấn đề.
9. Đừng la mắng 
Tại tập đoàn sản xuất xe hơi lớn thứ hai trên thế giới, Toyota, một quy tắc được đề ra là các nhà quản trị không được quát tháo và đe dọa trừng phạt nhân viên dưới quyền khi có sai sót xảy ra, bởi chỉ có như vậy mới bảo đảm các lỗi lầm sẽ được báo cáo ngay và đầy đủ, từ đó có thể tìm ra nguyên nhân sâu xa của những lỗi lầm đó (trong các chính sách và các quy trình) nhằm sửa đổi cho phù hợp. Trách mắng nhân viên hẳn nhiên sẽ không khích lệ mọi người thông báo với cấp trên những việc sai sót và như vậy cũng khó tìm ra nguyên nhân sâu xa của sai lầm.
10 kỹ năng quản lý của người Nhật
10 kỹ năng quản lý của người Nhật
10. Hãy hỏi thuộc cấp “Tôi có thể làm gì cho anh ?” 
Ở Toyota hay Mitsubishi, điều này được gọi là “tạo cơ hội để được lắng nghe cấp thấp nhất”. Nếu thuộc cấp có yêu cầu giúp đỡ điều gì, nhà quản trị nên cố gắng thực hiện theo yêu cầu ấy ngay khi có thể. Nói một cách khác, nếu các nhân viên cảm nhận rằng nhà quản trị cấp cao quan tâm và sẵn sàng giải quyết vấn đề của họ, thì họ sẽ tích cực, lạc quan hơn việc thực thi nhiệm vụ được giao và sẽ có thái độ nghiêm túc hơn đối với những mục tiêu chung mà nhà quản trị đề ra.
Và cuối cùng “Làn sóng văn minh thứ tư” đang hướng các công ty, tập đoàn lớn của Nhật Bản đến việc phá vỡ những chương trình quản lý cũ thông qua việc mở ra những phương pháp mới nhằm tăng cường đầu tư vào sáng tạo, đổi mới các qui trình quản trị lãnh đạo theo yêu cầu của tình hình mới… Có thể nói, tính sáng tạo đang ngày càng có ảnh hưởng lớn và giữ vai trò tiên phong trong cuộc cách mạng quản trị diễn ra ở Nhật Bản kể từ những năm đầu của thiên niên kỷ mới
Nguồn: kynang.edu